Có rất nhiều ý kiến đề xuất xung quanh việc chọn quốc hoa trong những ngày gần đây. Trong đó, cây tre là hình ảnh luôn gắn với quê hương đất nước vì thế rất phù hợp để trở thành biểu tượng văn hóa của người Việt Nam.
Dù có đến hơn 60% số người được hỏi đồng ý với phương án hoa Sen (theo kết quả điều tra dư luận của Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch), tuy nhiên ai cũng biết Sen là quốc hoa của Ấn Độ, việc chọn một loại hoa đã trở thành biểu tượng cho tâm hồn, cốt cách của một nền văn hóa lớn như vậy dễ bị hiểu là “ăn theo”, “đạo ý tưởng”…
Những phương án khác thì bị chê không vì nhược điểm này thì nhược điểm nọ. Hoa Mai vàng chỉ phổ biến ở miền Nam, hoa Đào rực rỡ lại ưa cái rét miền Bắc. Hơn nữa Mai và Đào dù đẹp nhưng đều là những loài cây chỉ khoe sắc được vào một thời điểm nhất định trong năm.
Cây tre, biểu tượng, quốc hoa
Tại sao lại không chọn cây tre làm biểu tượng văn hóa Việt? Tre khắc phục được tất cả những nhược điểm trên, phổ biến ở khắp vùng miền trên cả nước, lại là bạn đồng hành thủy chung, can đảm của dân tộc từ thuở xa xưa khai hoang, dựng nước và giữ nước. Tre hóa thân thành thế giới văn hóa tre trúc quây quần thân thiết với đời người, in hình in bóng đậm đà vào văn hóa, thi ca, nhạc họa, vào sâu xa tâm thức con người Việt Nam. Thêm nữa, dù tre không phải là một loại hoa nhưng vẫn có thể là biểu tượng văn hóa Việt Nam giống như lá phong là biểu tượng của Canada.
Việt Nam là xứ nhiệt đới gió mùa nên “xanh muôn ngàn cây lá khác nhau” (Thép Mới). Từ núi cao cực Bắc tới sông nước Cà Mau, mỗi vùng sinh thái đều tươi xanh những loài thảo mộc, hoa trái đặc trưng. Nhưng thân thương xiết bao, khi đâu đâu cũng bốn mùa xanh những lũy tre tươi tốt. Từ Bắc chí Nam, trên núi trên đồi bạt ngàn tre nứa giang vầu… Đồng bằng thì làng quê nào cũng lũy tre bao bọc, bờ đê nào cũng tre xanh chắn sóng và ngăn lũ, nên sông quê “nước gương trong soi tóc những hàng tre” (Tế Hanh).
Nay giữa Ba Đình, hai hàng tre xanh bình yên mang hồn quê xứ sở muôn đời che mát giấc ngàn thu Lãnh tụ Hồ Chí Minh – Người tiêu biểu nhất cho giang sơn và văn hóa Việt Nam.
Tre là bạn đồng hành thủy chung, thân thiết của người từ thuở xa xưa gian lao suốt nhiều thế kỷ khai hoang mở đất để rồi dựng nước. Những làng xã định cư với lũy tre xanh bao bọc ngăn gió bão, từ ấy đã là đặc trưng không chỉ của không gian sinh tồn của làng, mà còn là đặc trưng văn hóa – thẩm mỹ riêng có của làng quê Việt Nam ta. Trong sâu xa tâm thức người Việt từ thuở ấy, đã bình yên và xanh mát bóng tre.
Tre theo người cùng một lúc làm nên cả văn hóa vật thể lẫn văn hóa phi vật thể cho xứ sở chúng ta. Kiến trúc ư? Thì nhà tranh tre nứa lá, với phên với liếp tre đan. Tiện nghi ư? Thì nào giường chõng, bàn ghế, tủ chạn… cho đến lắm thứ đồ ăn thức làm: Nong nia, dần sàng, thúng mủng, rổ rá, cối xay tre… Công cụ nhà nông ư? Thì đòn càn đòn xóc, quang gánh… Đi lại trên sông nước, đánh bắt cá ư? Thì thuyền nan, thuyền thúng, cần câu, vó bè, nơm, đó, dậm tre đan… Đồ chơi và nhạc cụ ư? Thì que khăng, que chuyền, cây đu, diều sáo, sáo, tiêu, khèn bè, đàn tơ rưng tre nứa, cả cây nêu ngày Tết và cột cờ lễ hội đình làng…
Đó là thời đất nước chưa phát triển như hiện nay. Ở thời hiện đại, từ tre và nhờ có tre, có nứa cùng với song, mây, mà nên nghề thủ công, mỹ nghệ với lắm thứ hàng hóa tre trúc song mây, với những làng nghề tre mây có tiếng nay được nâng niu như một dạng văn hóa phi vật thể.
Hàng tre trúc, mây tre đan tinh xảo thời hội nhập đi ra thế giới, thu ngoại tệ và hơn thế, quảng bá hình ảnh Việt Nam.
Tre phản ánh cốt cách người Việt
Đến lượt con người lại nhận ra sự tương hợp kỳ lạ giữa phẩm chất của tre với cốt cách của chính mình, đến mức như là tri kỷ. Có thể kể đến áng văn tùy bút Cây tre Việt Nam của Thép Mới viết sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, và bài thơ Tre Việt Nam của Nguyễn Duy viết thời đánh Mỹ.
Tre “ăn ở với người, đời đời, kiếp kiếp”, “sống có nhau, chết có nhau chung thủy”. Tre “mộc mạc”, “nhũn nhặn” mà nhẫn nại không chê đất cằn, sá gì sương gió. Tre “ngay thẳng, thủy chung, can đảm”, giàu lòng vị tha, bao dung, đùm bọc. Tre “thanh cao, giản dị, chí khí như người”. “Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm”.
Có thể nói rằng cây tre là biểu tượng cho phẩm chất đặc sắc nhất của con người Việt Nam ta: đoàn kết, thủy chung, thanh cao, bất khuất. Là đức tính kiên cường ẩn tàng trong khả năng thích ứng dẻo bền vô hạn trước mọi tai họa thiên nhiên cũng như mọi biến thiên, bão táp và bi kịch lịch sử, cả do đến từ mọi phía lẫn do nội sinh, để trường tồn và phát triển.
Giống như cộng đồng người Việt, tre là lũy thép trước xâm lăng và bão lũ. Tre nhẫn nại chịu oằn mình, ngả rạp trước cuồng phong, bão lớn, để khi gió yên trời lặng lại vươn mình đứng thẳng thành lũy thành rừng, tre già măng mọc vô tận sinh sôi…