Ăn quả măng cụt có tác dụng gì?

Măng cụt là một loại trái cây nhiệt đới được rất nhiều người yêu thích không chỉ vì vị thơm ngon, ngọt mát mà còn có rất nhiều lợi ích với sức khỏe. Vậy ăn quả măng cụt có tác dụng gì?

1. Ăn trái măng cụt có tác dụng gì?

 

Măng cụt là một loại trái cây tự nhiên được sử dụng rất phổ biến ở Đông Nam Á. Ở Việt Nam, măng cụt được sử dụng như một loại quả tráng miệng thơm ngon, ngọt thanh và đôi khi chua nhẹ. Tuy nhiên, ăn măng cụt có tác dụng gì thì không phải ai cũng biết.

Để trả lời cho câu hỏi ăn quả măng cụt có tác dụng gì, sau khi tiến hành nhiều nghiên cứu thực nghiệm, các chuyên gia đưa ra những kết luận như sau:

  • Măng cụt được mệnh danh là nữ hoàng của trái cây. Trong vỏ măng cụt có chứa hàm lượng cao chất kháng thể Xanthones có tác dụng ngăn ngừa lão hóa, hạ cholesterol xấu, đồng thời ngăn ngừa sự hình thành các tế bào sợi có nguy hại với sức khỏe.
  • Măng cụt là nguồn bổ sung dồi dào các vitamin A, C, E giúp cơ thể chống lại sự lão hóa, cung cấp độ ẩm, hạn chế sự hình thành nếp nhăn trên bề mặt da, cho bạn làn da đẹp mịn màng và tươi trẻ.
  • Hoạt chất Proanthocyanidin và acid tannic trong măng cụt đã được chứng minh là có tác dụng ổn định đường huyết rất tốt, đặc biệt trên những bệnh nhân bị tiểu đường type 2.
  • Ở một nghiên cứu tại Ấn Độ, thành phần alpha-mangostin trong măng cụt giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch, củng cố hệ thống tuần hoàn và hạn chế nguy cơ bị nhồi máu cơ tim hay đột quỵ.
  • Măng cụt là loại quả có chứa nhiều các chất chống oxy hóa mạnh giúp bảo vệ cơ thể chống lại sự phát triển của các tế bào ung thư.
  • Ruột của quả măng cụt hay còn gọi là phần thịt có màu trắng, vị ngọt hoặc hơi chua nhẹ, mùi thơm, mọng nước, tính mát, trong có chứa nhiều canxi, chất xơ, đạm và sắt. Tuy nhiên, hàm lượng calo trong măng cụt tương đối thấp. Do đó, dù bạn có ăn nhiều măng cụt thì cũng không gây ảnh hưởng đến trọng lượng cơ thể mà còn hỗ trợ quá trình giảm cân rất tốt.
  • Có một nghiên cứu cho thấy gel có chứa nước ép từ măng cụt giúp làm giảm tình trạng viêm nha chu tương đối hiệu quả. Tác dụng này thậm chí còn mạnh hơn so với các phương pháp điều trị bệnh nha chu truyền thống.

2. Tác dụng phụ và những lưu ý khi sử dụng măng cụt

 

Mặc dù đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng nếu quá lạm dụng, ăn quá nhiều măng cụt cũng sẽ gây những ảnh hưởng xấu tới cơ thể.

Một số tác dụng phụ có thể xảy ra nếu bạn ăn quá nhiều măng cụt trong thời gian dài có thể kể đến như:

Phản ứng dị ứng

Măng cụt là loại quả có thể gây dị ứng cho người sử dụng với những biểu hiện như ngứa, phát ban, nổi mày đay, mẩn đỏ trên da và sưng. Một vài trường hợp quá nhạy cảm, phản ứng dị ứng xảy ra mạnh có thể dẫn đến tức ngực, cảm giác đau đớn, sưng nhiều ở miệng họng. Nếu bạn thấy xuất hiện những dấu hiệu trên khi ăn măng cụt thì hãy ngừng ăn và liên hệ với bác sĩ hay những người có chuyên môn để được hỗ trợ xử lý khi cần thiết.

Táo bón, tiêu chảy

Măng cụt gây nhiễm acid lactic

Trong một nghiên cứu tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan-Kettering, kết quả nghiên cứu cho thấy tình trạng nhiễm acid lactic nặng đã xảy ra khi ăn măng cụt hàng ngày và đều đặn trong suốt 12 tháng. Giải thích cho điều này, các chuyên gia nói rằng việc cung cấp măng cụt quá nhiều cho cơ thể dẫn đến sự tích tụ bất thường của acid lactic trong máu, biểu hiện trên lâm sàng thường gặp nôn, buồn nôn, suy giảm sức khỏe toàn thân. Tình trạng này có thể tiến triển đến sốc nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.

Ảnh hưởng đến quá trình đông máu và làm cản trở quá trình điều trị ung thư

Tạo nút tiểu cầu là một trong những cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể để nhằm ngăn chặn sự chảy máu khi có tổn thương. Tuy nhiên, việc ăn măng cụt thường xuyên lại sinh ra nhiều hoạt chất Xanthone làm cản trở quá trình đông máu, làm giảm khả năng tự bảo vệ của cơ thể. Mặt khác, hoạt chất này cũng có thể tương tác với Warfarin hay một số thuốc khác để làm giảm độ cô đặc của máu, gây tình trạng xuất huyết tiêu hóa. Đặc biệt, hiện nay đã có những báo cáo nghiên cứu cụ thể về ảnh hưởng của măng cụt đến quá trình hóa trị liệu và xạ trị, làm giảm hiệu quả điều trị ung thư do khả năng chống lại và loại bỏ các gốc tự do.

Măng cụt gây độc thần kinh

Xanthone có trong măng cụt chính là thủ phạm gây độc cho cơ thể, làm ức chế hệ thần kinh trung ương. Hàm lượng hoạt chất này càng cao thì tình trạng nhiễm độc thần kinh càng xảy ra nhanh và mạnh hơn. Nếu kết hợp với các nhóm thuốc khác có thể gây buồn ngủ quá mức.

Măng cụt gây bệnh đa hồng cầu

Măng cụt có khả năng làm tăng khối lượng của hồng cầu trong cơ thể. Khi bổ sung quá nhiều măng cụt, tình trạng rối loạn hoạt động của tủy xương xảy ra dẫn đến sự sản xuất quá nhiều các tế bào hồng cầu gây bệnh đa hồng cầu.

Ngoài ra, măng cụt còn có thể gây mất ngủ, rối loạn giấc ngủ, đau đầu nhẹ, chóng mặt, buồn nôn, nôn, khó thở, đau bụng, đau khớp… Khuyến cáo không nên sử dụng nhiều măng cụt trên trẻ sơ sinh, phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú hay những người có cơ địa nhạy cảm, dễ bị dị ứng với các loại hoa quả trái cây.

Qua quan sát thực tế lâm sàng, người ta ghi nhận rằng các tác dụng phụ của măng cụt thường xảy ra tạm thời. Ở mức độ nhẹ, các triệu chứng sẽ được cải thiện nếu giảm lượng măng cụt ăn mỗi ngày mà không cần dùng thuốc điều trị. Theo đó, bạn hãy sử dụng măng cụt một cách hợp lý cung cấp các dưỡng chất cho sức khỏe và không bị tác dụng không mong muốn xảy ra.

Mặc dù măng cụt có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe cũng như quá trình điều trị bệnh lý. Tuy nhiên, mọi tác dụng chỉ ở mức hỗ trợ và không thể thay thế cho các thuốc điều trị đặc trị. Hơn nữa, việc sử dụng quá nhiều măng cụt trong thời gian dài cũng sẽ gây nên những tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, hãy sử dụng măng cụt đúng mức và đúng mục đích để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình.